Logo

Áp xe ngực sau sinh: dấu hiệu, biến chứng và cách điều trị

Áp xe ngực sau sinh trở thành nỗi khiếp sợ của phụ nữ vì gây ra những cơn đau dữ dội, cảm giác nóng rát và căng tức vùng ngực. Thậm chí bệnh còn gây ra những hậu quả nguy hiểm như hoại tử hay ung thư vú nếu không được điều trị đúng cách.

1. Áp xe ngực sau sinh là gì

Áp xe ngực sau sinh là tình trạng tích tụ mủ trong vú gây ra sưng viêm, nóng đỏ, đau nhức ở ngực. Nguyên nhân là do vi khuẩn xâm nhập (thường là phế cầu, trực khuẩn, vi khuẩn hiếm khí,…) gây nhiễm trùng ngực khi không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

Áp xe ngực thường trải qua 3 giai đoạn: Viêm nhiễm, ổ áp xe và hoại tử. Trong đó, ổ áp xe thường có thể xuất hiện ở trước, sau hoặc trong tuyến vú. 

Theo thống kê, áp xe ngực ở phụ nữ sau sinh và cho con bú diễn ra phổ biến nhất là vào tuần thứ 3 – 8 sau khi sinh.

Áp xe ngực sau sinh là gì

Áp xe ngực sau sinh là gì

2. Tại sao sau sinh dễ bị áp xe ngực

– Tắc tia sữa khiến sữa không lưu thông tạo thành cục cứng. Trong khi đó, cơ thể vẫn liên tục tiết sữa tạo áp lực lên ống dẫn sữa, để lâu gây viêm tuyến vú và áp xe vú. 

– Tắc tia sữa khiến sữa không thể chảy ra ngoài, tạo thành vùng ứ đọng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

– Vi khuẩn xâm nhập qua da hoặc từ miệng của con vào tuyến vú, các ống dẫn sữa,…gây ra viêm và hình thành ổ áp xe.

– Mẹ mặc áo ngực quá chật hoặc địu bé trước ngực tạo áp lực lên ngực khiến tia sữa bị tắc và áp xe vú

3. Những trường hợp có nguy cơ cao mắc áp xe vú sau sinh

Những trường hợp sau đây có nguy cơ cao bị áp xe vú sau sinh: 

– Tắc tia sữa: Mẹ không vắt sữa hoặc hút sữa thừa sau khi bé bú xong gây ra tình trạng ứ đọng tia sữa, hình thành ổ áp xe ngực.

– Mẹ cho bé bú không đúng cách, bú kém, bú quá lâu, bú không đủ mạnh hoặc cắn gây trầy xước tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. 

– Rối loạn tâm sinh lý: Mẹ bị stress, trầm cảm sau sinh, ăn uống thiếu chất, thức đêm nhiều, khiến lượng hormone oxytocin giám sút, dễ gây tắc tia sữa. 

– Mẹ không vệ sinh bầu ngực sạch sẽ.

4. Dấu hiệu nhận biết bị áp xe vú sau sinh

Những dấu hiệu bị áp xe vú ở mẹ sau sinh rất dễ nhận biết như: 

– Cảm thấy nóng rát, sưng, đau và căng tức ở bầu ngực

– Sờ thấy khối chắc, cứng ở ngực gây đau dữ dội

– Da toàn bộ bầu ngực hoặc núm vú bị ửng đỏ

– Đầu núm vú có thể bị thụt vào bên trong

– Lượng sữa mẹ tiết ra giảm dần

– Sữa mẹ có mùi hôi tanh, kèm mủ khiến bé không bú

– Đau buốt và nhói khi cho con bú

– Toàn thân mệt mỏi, sốt cao (38 – 40 độ), lạnh run người, chán ăn,…

– Biến chứng: Biến chứng nặng nhất là hoạt tử vú với các triệu chứng nhiễm khuẩn nặng như: Ngực căng to, sưng phù, da trên ổ áp xe có màu vàng nhạt, chảy mủ có mùi hôi. 

Dấu hiệu bị áp xe ngực ở phụ nữ sau sinh

Dấu hiệu bị áp xe ngực ở phụ nữ sau sinh

5. Áp xe ngực sau sinh có nguy hiểm không

Áp xe ngực là căn bệnh nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, chất lượng sữa cho con và đặc biệt là nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách. Cụ thể là: 

– Gây mất sữa do  tắc tia sữa hoặc sữa có mủ, mùi hôi tanh khiến bé không thể bú. Nặng hơn là ổ áp xe vỡ hoặc hoại tử khiến người mẹ mất khả năng tiết sữa. 

– Nhiễm trùng sang cơ quan khác: Với các mẹ có sức đề kháng yếu, nhất là sau sinh sức khỏe chưa được hồi phục có thể khiến nhiễm trùng sang các cơ quan khác như nhiễm trùng máu, viêm cầu thận cấp, suy thận, đe dọa tính mạng của mẹ. 

– Nguy cơ ung thư vú: Áp xe có thể gây viêm xơ tuyến vú mãn tính làm tăng nguy cơ ung thư vú

– Hoại tử vú: Khi ổ áp xe vỡ gây hoại tử ngực. Nếu không điều trị bệnh sớm có thể gây rối loạn đông máu, suy đa cơ quan, hoại tử các chi, suy thận,…

6. Phương pháp điều trị bệnh áp xe vú sau sinh

Khi bị áp xe ngực mẹ nên thực hiện các cách sau đây để nhanh khỏi bệnh tránh những biến chứng nguy hiểm cho tính mạng: 

Thực hiện tại nhà: 

– Mẹ nên nghỉ ngơi và tránh cho con bú bên ngực bị tổn thương

– Chườm ấm hoặc xoa bóp giúp giảm đau và căng tức vùng ngực

 – Vắt bỏ sữa để tránh tiếp xúc với con, do trong sữa có thể lẫn với mủ gây hại cho sức khỏe của con. 

Đến ngay cơ sở y tế hoặc bệnh viện để được điều trị chuyên sâu: 

– Sử dụng kháng sinh: Bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh đường uống để giảm tình trạng viêm, cải thiện tình trạng đau nhức. 

– Trích mủ: Áp dụng cho giai đoạn đã thành áp xe phải thực hiện tháo mủ. Với ổ áp xe nông chỉ cần chích đơn giản để lấy mủ ra. Tuy nhiên, với bệnh nhân có ổ áp xe nằm sâu bên trong, bác sẽ trích rạch để tháo mủ, đặt ống dẫn lưu không cần phẫu thuật bằng siêu âm. Vệ sinh bằng dung dịch sát khuẩn kết hợp với uống thuốc kháng sinh. 

– Phẫu thuật: Đối với những ổ áp xe lớn thể tuyến hoặc sau tuyến thường được chỉ định làm phẫu thuật gây mê. Bác sĩ sẽ thực hiện đường mổ hình nam hoa hoặc vòng cung để không làm ảnh hưởng tới quầng vú rồi dẫn lưu mủ ra ngoài. Sau đó, vệ sinh vết chích bằng dung dịch sát khuẩn, thay băng hàng ngày cho đến khi hết mủ.

Phương pháp điều trị áp xe ngực sau sinh

Phương pháp điều trị áp xe ngực sau sinh

7. Bị áp xe ngực có nên cho con bú 

Mẹ bỉm không nên cho con bú bên ngực bị áp xe vì có thể khiến đầu núm vú của mẹ bị tổn thương nặng hơn, tình trạng áp xe trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, sữa mẹ có lẫn vi khuẩn có thể khiến bé bị nhiễm khuẩn và rối loạn tiêu hóa từ ổ áp xe của mẹ.

Với bên ngực không bị áp xe, mẹ vẫn có thể cho bé bú bình thường để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho con. Tuy nhiên, nếu uống kháng sinh hoặc bất cứ loại thuốc gì bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé bú để được hướng dẫn chính xác và đầy đủ. 

8. Một số lưu ý phòng ngừa bị áp xe vú sau sinh

Bất cứ phụ nữ sau sinh nào cũng có nguy cơ bị áp xe ngực do đó chị em cần chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp sau đây: 

  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Một số người quan niệm kiêng tắm để tránh bị hậu sản sẽ tạo điều kiện dẫn đến áp xe vú. 
  • Phụ nữ đang cho con bú cần vệ sinh sạch sẽ phần ngực nhất là đầu vú trước và sau khi cho con bú, bằng cách lấy khăn sạch nhúng vào nước ấm để lau đầu vú. 
  • Cho con bú hết sữa và luân phiên giữa hai bên ngực, vắt sạch sữa sau khi con bú xong.
  • Thường xuyên massage nhẹ nhàng bầu vú để ống dẫn sữa thông. 
  • Mẹ nên cho con bú càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh, bú đúng tư thế và thường xuyên.
  • Tránh làm xước hoặc tổn thương da vùng ngực tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong. 
  • Không nên cai sữa sớm, khi cai sữa cần giảm từ từ số cữ bú.
  • Mẹ không nên mặc áo ngực quá chật, tạo áp lực hoặc làm xây xát vú. 
  • Tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn uống nhiều dinh dưỡng, nghỉ ngơi thường xuyên, giữ tinh thần thoải mái và hạn chế thức khuya. 

Áp xe ngực sẽ không còn đáng sợ nếu các mẹ có sự chuẩn bị và biết cách xử lý khi có dấu hiệu. Hy vọng, bài viết này giúp các mẹ có thêm hiểu biết và biết cách phòng tránh áp xe ngực hiệu quả nhất. 

Hiển thị nguồn

MSD Manuals:”Postpartum Breast Infection”

Medscape:”Breast Abscess in Lactation”

ScienceDirect:”Postpartum Biomedical Concerns: Breastfeeding”

Có 0 bình luận bài Áp xe ngực sau sinh: dấu hiệu, biến chứng và cách điều trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1900.633.988

FB chat

Chat zalo

Vị trí